Tôi sinh ra ở một làng quê ven đô, nơi mà những năm tháng ấu thơ tôi vẫn được chứng kiến rất nhiều những ngôi nhà tranh, vách đất, bởi làng quê tôi rất nghèo, người nông dân quanh năm chỉ trông vào ruộng đồng với hai mùa lúa thường xuyên thất bát, lúc thì chiêm khê, khi lại mùa thối…
Làng tôi có cả thảy hơn trăm nóc nhà thì chỉ có độ gần chục nhà xây được nhà tường gạch mái ngói, còn đại đa số đều là nhà tranh vách đất. Nhà tôi cũng không phải là một ngoại lệ, khi đời ông bà nội tôi cũng nghèo, đến đời bố mẹ tôi cũng vậy, lo miếng cơm, manh áo còn khó khăn huống hồ lấy đâu ra tiền bạc để xây nhà kiên cố.
Ngôi nhà tranh vách đất của nhà tôi được ông bà nội dựng lên từ khi ông bà còn trẻ. Bố mẹ tôi thừa hưởng ngôi nhà ấy và cũng chỉ thi thoảng đại tu, sửa chữa lại cho chỉn chu vững chãi mà thôi.
Nhà dựng ở khoảng giữa miếng đất hình chữ nhật, trên nền cao cỡ gần nửa mét. Ngôi nhà 3 gian, 2 chái có khung toàn bộ là các đòn cây tre, từ dui, mè, cột, kèo cho tới các nan dọc đan ken làm vách ngăn.
Ông nội tôi kể rằng, trước khi dựng nhà ông đã phải kén chọn những cây tre già và nhất thiết phải là tre đực, bởi tre đực mới dày mình và chắc khỏe. Những cây tre đó phải thẳng, dài đủ cho chiều dài của ngôi nhà 5 gian.
Ông cho biết, để làm đủ cho ngôi nhà tranh vách đất 5 gian ấy phải mất đến hơn 50 cây tre các loại. Tre được chọn, khi chặt xuống phải mang ngâm xuống ao cho ngập nước với thời gian khoảng 1 năm để tránh mối mọt. Khi vớt những cây tre lên phơi cho khô rồi mới tới công đoạn đo đạc để cưa, cắt, đục cột, kèo…
Ngày dựng nhà hầu như cả xóm tới ăn mải (làm giúp) mà không lấy tiền công. Có hôm tới cả vài chục người và bà nội tôi phải vất vả lo nấu nướng sửa soạn cơm nước cho những người tới làm giúp đó ăn. Nhà dựng toàn là tre như vậy nhưng độ bền thì ngay cả một số loại gỗ cũng khó bì được.
Chẳng vậy mà theo như tôi được biết ngôi nhà ông bà nội tôi dựng từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, mà mãi cho tới khi bố mẹ tôi phá bỏ để xây nhà gạch vào cuối thật kỷ 90, nó vẫn còn vững chãi, cột kèo vẫn chắc khỏe.
Ngày tôi còn nhỏ, cứ khoảng 2 năm là bố mẹ tôi lại phải đảo mái tranh một lần, vì khoảng thời gian 2 năm luôn khiến mái tranh bị mục nát, khi mưa xuống sẽ bị dột. Để thay mái tranh cũ bằng mái tranh mới thường mất khoảng 2 ngày và thời gian thay mái tranh luôn diễn ra vào mùa cuối năm, bởi lúc này mới có gốc dạ dài của lúa nếp cốm hoa vàng.
Sở dĩ mái tranh ở quê đều được lợp bằng loại gốc dạ của lúa nếp cốm hoa vàng là vì, đây là loại lúa có thân dài, ống thân cây tròn, to, cứng vì vậy độ bền qua mưa nắng sẽ cao, không như thân cây lúa tẻ mềm mại. Khi gặt lúa người ta thường chừa phần gốc dạ dài khoảng từ 40-50cm để lấy nguyên liệu lợp nhà. Gốc dạ được phơi khô, sau đó mới mang lên mái lợp nhà.
Khi lợp, thông thường người ta chằm lại từng manh dài để xếp lên lần lượt theo chiều cao dần. Cũng có nhà cứ rải gốc dạ trực tiếp lên mái rồi mới lấy một thanh tre nẹp lại bằng các sợi dây lạt mỏng cho chắc chắn. Những buổi nhà tôi lợp nhà như vậy thì hầu như các thành viên trong gia đình ai ai cũng phải vất vả. Bố mẹ thì lên nóc nhà lợp. Mấy anh chị em chúng tôi thì ở dưới dùng sào đưa các bó dạ lên mái cho bố mẹ lợp.
Những năm tôi lớn hơn chút xíu, do bất lợi của việc lợp nhà bằng rơm dạ là cứ 2 năm phải lợp lại một lần, rất tốn công, nên bố mẹ tôi đã chuyển qua mua lá cọ từ Phú Thọ về lợp cho bền. Nhà lợp bằng lá cọ mát không kém lợp dạ, mà độ bền có khi phải tới cả chục năm mới phải lợp lại…
Với tường vách quanh nhà thì tùy theo thiết kế chất liệu của từng nhà mà độ bền được ngắn hay dài. Thường là nhà nào cũng chát tường xung quanh, hay các vách ngăn bằng đất. Đất dùng chát nhà nhất thiết phải là đất bùn ao được vớt lên và nhào chộn với mùn rơm băm nhỏ. Sau khi có được nguyên liệu đất nhào rơm như vậy thì mới đến công đoạn chát lên tường.
Tường bao được làm từ các thanh tre đan ngang, dọc hình mắt cáo có lỗ to bằng nắm tay. Khi chát đất vào thì chính chất liệu rơm nhào lẫn có tác dụng giữ cho bùn đất không rơi xuống. Việc chát nhà phải chát cả phía trong lẫn phía ngoài cho nhẵn nhụi và phải kín các lỗ. Khi tường chát khô thì độ cứng cũng có thể chống chọi với thời gian khá lâu. Nếu không bị mưa hắt vào tường gây xói lở thì tường vách đất cũng có độ bền cả trên chục năm…
Ở nhà tranh vách đất là cực kỳ mát mẻ về mùa hè nóng bức và ấm áp về mùa đông giá rét. Chẳng vậy mà nhiều buổi trưa hè, trời nắng tới gần 40 độ, nóng như thiêu như đốt, chỉ cần bước qua cửa vào ngôi nhà tranh vách đất là ai đó đều cảm nhận được sự mát mẻ đến lạ kỳ.
Hay như nhiều năm, bước vào mùa đông lạnh giá, có khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ, vậy mà sống trong ngôi nhà tranh vách đất ta luôn cảm nhận thấy một không khí ấm nồng dễ chịu…
Cùng với sự phát triển của xã hội và đà đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, ngôi nhà tranh vách đất của gia đình tôi nói riêng, cũng như hết thảy các gia đình ở thôn quê tôi nói chung đều mai một và mất hẳn vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Nhắc nhớ và hoài niệm lại những mái tranh vách đất không phải là muốn níu kéo lại cái nghèo, cái khó, nhưng quả là sự mất đi của những mái nhà tranh vách đất ấy là đáng tiếc, vì ước gì nền kinh tế của người dân vẫn phát triển, nhà tầng, nhà ngói vẫn mọc lên, nhưng đâu đó nơi thôn quê vẫn còn giữ được một vài nếp nhà tranh đơn sơ làm vốn quý, làm cái… hồn quê thì hay biết mấy (?!)…